Giải thích về phân bổ và đa dạng hóa tài sản

Giới thiệu

Tiền luôn đi kèm với rủi ro. Bất kỳ khoản đầu tư nào cũng có thể bị thua lỗ, trong khi giữ tiền mặt làm giá trị tích trữ dần bị xói mòn do lạm phát. Mặc dù rủi ro không thể được loại bỏ, nhưng có thể điều chỉnh để phù hợp với các mục tiêu đầu tư cụ thể của một cá nhân.

Phân bổ và đa dạng hóa tài sản là những khái niệm đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các yếu tố rủi ro này. Ngay cả khi mới tham gia đầu tư, có thể bạn đã quen với các nguyên tắc căn bản vì những nguyên tắc này đã tồn tại hàng nghìn năm.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin tổng quan về những nguyên tắc này và mối liên quan với các chiến lược quản lý tiền ngày nay.

Nếu bạn muốn đọc thêm về chủ đề tương tự, hãy xem bài viết Giải thích rủi ro tài chính.

Phân bổ và đa dạng hóa tài sản là gì?

Thuật ngữ phân bổ và đa dạng hóa tài sản thường được sử dụng thay thế cho nhau. Tuy nhiên, chúng có thể đề cập đến các khía cạnh hơi khác nhau của hoạt động quản lý rủi ro.

Phân bổ tài sản có thể được sử dụng để mô tả chiến lược quản lý tiền, trong đó vạch ra cách phân bổ vốn vào các loại tài sản trong một danh mục đầu tư. Trong khi đó, đa dạng hóa có thể mô tả việc phân bổ vốn vào các loại tài sản đó.

Mục tiêu chính của các chiến lược này là tối đa hóa lợi nhuận kỳ vọng đồng thời giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Thông thường, việc này liên quan đến xác định khung thời gian đầu tư của nhà đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro và đôi khi xem xét các điều kiện kinh tế rộng hơn.

Nói một cách đơn giản, ý tưởng chính đằng sau các chiến lược phân bổ và đa dạng hóa tài sản là không đặt tất cả trứng của bạn vào một giỏ. Kết hợp các loại tài sản và tài sản không tương quan là cách hiệu quả nhất để xây dựng danh mục đầu tư cân bằng.

Điều làm cho hai chiến lược này trở nên hiệu quả khi kết hợp với nhau là rủi ro không chỉ được phân bổ giữa các loại tài sản khác nhau mà còn trong các loại tài sản đó.

Một số chuyên gia tài chính thậm chí còn tin rằng việc xác định chiến lược phân bổ tài sản có thể quan trọng hơn cả việc lựa chọn từng khoản đầu tư riêng lẻ.

Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại

Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT) là khung hợp thức hóa các nguyên tắc này thông qua một mô hình toán học. MPT được giới thiệu trong một bài báo do Harry Markowitz xuất bản năm 1952, sau đó ông đã nhận được giải Nobel Kinh tế cho bài báo này.

Các danh mục tài sản chính có xu hướng thay đổi khác nhau. Điều kiện thị trường giúp một loại tài sản cụ thể hoạt động hiệu quả cũng có thể khiến một loại tài sản khác hoạt động kém hiệu quả. Giả định chính là nếu một loại tài sản hoạt động kém hiệu quả, thì tổn thất có thể được cân bằng nhờ một loại tài sản khác đang hoạt động hiệu quả.
MPT giả định rằng việc kết hợp tài sản từ các loại tài sản không tương quan có thể giảm bớt biến động của danh mục đầu tư. Điều này cũng sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động được điều chỉnh theo rủi ro, nghĩa là danh mục đầu tư có cùng mức rủi ro sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn. MPT cũng giả định rằng nếu hai danh mục đầu tư mang lại lợi nhuận như nhau, mọi nhà đầu tư sáng suốt sẽ ưu tiên danh mục đầu tư ít rủi ro hơn.

Nói một cách đơn giản, MPT tuyên bố rằng việc kết hợp các tài sản không tương quan trong một danh mục đầu tư là cách hiệu quả nhất.

Các loại tài sản và chiến lược phân bổ

Trong khung phân bổ tài sản thông thường, các loại tài sản có thể được phân loại như sau:

  • Tài sản truyền thống – cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt.
  • Tài sản thay thế – bất động sản, hàng hóa, phái sinh, sản phẩm bảo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân và tất nhiên là tiền mã hóa.

Nhìn chung, có hai loại chiến lược phân bổ tài sản chính, cả hai đều sử dụng các giả định được nêu trong MPT: Phân bổ tài sản chiến lược và Phân bổ tài sản chiến thuật.

Phân bổ tài sản chiến lược được coi là phương pháp truyền thống, phù hợp với phong cách đầu tư thụ động hơn. Các danh mục đầu tư dựa trên chiến lược này sẽ có xu hướng tái cân bằng chỉ khi cơ cấu phân bổ mong muốn thay đổi dựa trên sự thay đổi về khung thời gian hoặc khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.

Phân bổ tài sản chiến thuật phù hợp hơn với phong cách đầu tư chủ động. Phương pháp này cho phép nhà đầu tư tập trung danh mục đầu tư vào các tài sản đang cho kỳ vọng khả quan trên thị trường. Phương pháp này đưa ra giả định rằng nếu một lĩnh vực đang cho kỳ vọng khả quan trên thị trường, thì lĩnh vực đó có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả trong một thời gian dài. Do dựa trên các nguyên tắc được nêu trong MPT nên phương pháp này cũng cho phép đa dạng hóa ở một mức độ nào đó.

Điều đáng chú ý là các tài sản không phải hoàn toàn không tương quan hoặc tương quan nghịch biến để đa dạng hóa đem lại ảnh hưởng có lợi. Chỉ cần không hoàn toàn tương quan.

Áp dụng phân bổ và đa dạng hóa tài sản cho danh mục đầu tư

Chúng ta sẽ xem các nguyên tắc này thông qua một danh mục đầu tư cụ thể. Chiến lược phân bổ tài sản có thể quy định danh mục đầu tư phải có cơ cấu phân bổ như sau đối với các loại tài sản khác nhau:

  • 40% vào cổ phiếu
  • 30% vào trái phiếu
  • 20% vào tiền mã hóa
  • 10% tiền mặt

Chiến lược đa dạng hóa có thể quy định rằng trong số 20% đầu tư vào tiền mã hóa:

  • 70% sẽ được phân bổ cho Bitcoin
  • 15% cho các đồng tiền có giá trị vốn hóa lớn
  • 10% cho các đồng tiền có giá trị vốn hóa trung bình
  • 5% cho các đồng tiền có giá trị vốn hóa nhỏ

Sau khi thiết lập cơ cấu phân bổ, nhà đầu tư có thể thường xuyên theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của danh mục đầu tư. Nếu cơ cấu phân bổ thay đổi, có thể đã đến lúc phải cân bằng lại – nghĩa là mua và bán tài sản để điều chỉnh danh mục đầu tư trở lại tỷ lệ mong muốn. Điều này thường liên quan đến việc bán những tài sản hoạt động hiệu quả nhất và mua những tài sản hoạt động kém hiệu quả hơn. Việc lựa chọn tài sản tất nhiên hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược và mục tiêu đầu tư của từng cá nhân.

Tiền mã hóa là một trong những loại tài sản rủi ro nhất. Danh mục đầu tư này có thể được coi là rất rủi ro, do nhà đầu tư đã đầu tư một khoản đáng kể vào tài sản tiền mã hóa. Một nhà đầu tư không thích rủi ro có thể sẽ phân bổ vốn nhiều hơn vào trái phiếu – một loại tài sản ít rủi ro hơn nhiều.

Nếu bạn muốn đọc báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về lợi ích của Bitcoin trong danh mục đầu tư đa tài sản đa dạng, hãy xem báo cáo này của Binance Research: Loạt bài về quản lý danh mục đầu tư #1 – Khám phá lợi ích của việc đa dạng hóa tài sản với Bitcoin.

Đa dạng hóa trong danh mục đầu tư tiền mã hóa

Mặc dù về mặt lý thuyết, chúng ta nên áp dụng nguyên tắc đằng sau các phương pháp này cho danh mục đầu tư tiền mã hóa, nhưng đây chỉ là một phần của câu chuyện. Thị trường tiền mã hóa có mối tương quan mật thiết với biến động giá Bitcoin. Điều này làm cho phương pháp đa dạng hóa tài sản trở thành nhiệm vụ bất khả thi – làm thế nào ta có thể tạo một rổ tài sản không tương quan từ một rổ tài sản có mức độ tương quan cao?
Tùy từng thời điểm, một số loại altcoin có thể ít tương quan với Bitcoin và những trader theo dõi sát sao có thể tận dụng điều đó. Tuy nhiên, những chiến lược này thường không kéo dài theo cách có thể áp dụng nhất quán như các chiến lược tương tự ở thị trường truyền thống.

Tuy nhiên, có thể giả định rằng một khi thị trường trưởng thành, phương pháp đa dạng hóa tài sản một cách hệ thống hơn có thể trở nên khả thi đối với danh mục đầu tư tiền mã hóa. Thị trường chắc chắn còn phải trải qua một chặng đường dài cho đến lúc đó.

Vấn đề đối với phân bổ tài sản

Mặc dù là kỹ thuật có hiệu quả không thể phủ nhận, nhưng một số chiến lược phân bổ tài sản có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư và danh mục đầu tư.

Việc đề ra chiến lược có thể tương đối đơn giản, nhưng chìa khóa đem lại thành công cho chiến lược phân bổ tài sản là triển khai. Nếu nhà đầu tư không thể gạt thành kiến sang một bên, hiệu quả hoạt động của danh mục đầu tư có thể bị giảm.

Một vấn đề tiềm ẩn khác đến từ việc khó ước tính trước mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Khi kết quả bắt đầu đến sau một khoảng thời gian nhất định, nhà đầu tư có thể nhận ra họ muốn ít (hoặc thậm chí nhiều) rủi ro hơn.

Tổng kết

Phân bổ và đa dạng hóa tài sản là những khái niệm cơ bản của hoạt động quản lý rủi ro đã tồn tại hàng nghìn năm. Đây cũng là một trong những khái niệm cốt lõi đằng sau các chiến lược quản lý danh mục đầu tư hiện đại.

Mục đích chính của việc đề ra chiến lược phân bổ tài sản là tăng tối đa lợi nhuận kỳ vọng, đồng thời giảm thiểu rủi ro. Phân bổ rủi ro giữa các loại tài sản có thể giúp tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.

Do thị trường có mối tương quan mật thiết với Bitcoin, nên nhà đầu tư cần áp dụng một cách thận trọng chiến lược phân bổ tài sản cho danh mục đầu tư tiền mã hóa.

 

tuvan365.com sưu tầm trên Binance Academy

Đăng ký ngay 3 sàn trade Crypto phổ biến nhất tại Việt NamBinance, Remitano Huobi

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x