Chứng khoán là gì ? Những điều nhà đầu tư mới buộc phải biết về Chứng khoán (P7)

Chứng chỉ quỹ là gì?

Nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ đồng nghĩa với việc ủy thác vốn cho các tổ chức quản lý quỹ.

Theo Luật chứng khoán 2019, chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán. Mệnh giá chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10.000 đồng.

Về bản chất, chứng chỉ quỹ gần giống với cổ phiếu khi đều là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu, quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư với phần góp vốn của mình. Tuy nhiên, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu cũng có những điểm khác biệt cơ bản như sau.

Về mục đích đầu tư, cổ phiếu là phương tiện huy động vốn của một công ty kinh doanh trong những ngành nghề cụ thể, còn chứng chỉ quỹ là phương tiện để thành lập quỹ của quỹ đầu tư chứng khoán.

Về quyền quyết định, trong khi người sở hữu cổ phiếu có thể tự do biểu quyết và quản lý số cổ phần của bản thân thì nhà đầu tư chứng chỉ quỹ lại không có những quyền tương tự. Mọi quyết định đầu tư đều do công ty quản lý quỹ đưa ra.

Về trách nhiệm, khi đầu tư cổ phiếu theo cá nhân, nhà đầu tư chủ yếu phải dựa vào sự đánh giá của mình để ra quyết định và theo dõi khoản khoản đầu tư. Trong khi đó, nếu mua chứng chỉ quỹ, những điều này sẽ do công ty quản lý quỹ thay mặt nhà đầu tư thực hiện.

Cũng chính vì những đặc điểm này, nhà đầu tư chứng chỉ quỹ không nhất thiết phải là chuyên gia tài chính để có thể tham gia thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tiết kiệm được thời gian trong khi vẫn tận dụng được cơ hội sinh lợi từ số tiền nhàn rỗi.

Mặt khác, do không được tham gia vào quyết định đầu tư của quỹ, bạn phải chấp nhận rủi ro khi giá chứng chỉ quỹ sẽ biến động theo tài sản cơ sở đầu tư.

Bản chất đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho các chuyên gia của công ty quản lý quỹ. Do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu và lựa chọn một công ty tốt, dựa trên một số tiêu chí chính như độ uy tín, lịch sử hoạt động, đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo, trách nhiệm công bố thông tin, ….

Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ về các loại chứng khoán mà quỹ rót tiền để đánh giá xem có phù hợp với mục tiêu lợi nhuận và khẩu vị rủi ro của bản thân hay không.

Chứng khoán phái sinh giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính giúp bảo vệ danh mục đầu tư nhưng sẽ không an toàn nếu nhà đầu tư không đủ kiến thức.

Thị trường chứng khoán phái sinh có mặt tại Việt Nam hơn 4 năm, được đánh giá cao nhưng còn khá mới đối với các nhà đầu tư F0.

Đến năm 2019, Luật Chứng khoán có quy định rõ tại Khoản 9, Điều 4: Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Nói chung, chứng khoán phái sinh là một hợp đồng tài chính, được hình thành trên một tài sản cơ sở nào đó. Các tài sản cơ sở phổ biến nhất là trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ, chỉ số thị trường và lại suất.

Hiện nay, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam cung cấp hai dòng sản phẩm cơ bản: hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ. Trong đó, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là phổ biến, còn hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ ít được giao dịch hơn, chủ yếu là các tổ chức tự giao dịch với nhau.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 dựa trên những biến động tổ hợp của 30 mã cổ phiếu dẫn đầu thị trường với giá trị vốn hóa lớn và tính thanh khoản cao (bluechip) trong tương lai, với 4 loại hợp đồng: 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng và 6 tháng.

Một số quy định trong giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30:

– Tài sản cơ sở: VN30-Index

– Quy mô hợp đồng: 100.000 VND x VN30-Index, trong đó giá trị 100.000 VND được gọi là hệ số nhân của hợp đồng.

– Phương thức giao dịch: Khớp lệnh liên tục và thỏa thuận

– Thời gian giao dịch: Mở cửa trước thị trường cơ sở 15 phút (8h45); Đóng cửa: kết thúc cùng thị trường cơ sở (14h45)

– Biên độ dao động giá: ±7%

– Đơn vị giao dịch: Một hợp đồng.

– Khối lượng giao dịch: Tối thiểu một hợp đồng

– Giới hạn lệnh: 500 hợp đồng/lệnh

– Ký quỹ: Bắt buộc. Để tham gia giao dịch hợp đồng tương lai, cả bên mua và bên bán có nghĩa vụ phải đặt cọc để đảm bảo thanh toán.

– Mã Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được quy ước là VN30FYYMM, bao gồm các thông tin về loại hợp đồng, năm và tháng đáo hạn hợp đồng.

Ví dụ, tháng 4/2022 một nhà đầu tư mở vị thế mua 10 HĐTL chỉ số VN30, mã HĐ: VN30F2205, đáo hạn ngày 19/5/2022. VN30-Index hiện là 1.493 điểm, đến tháng 5, chỉ số này tăng lên 1.500 điểm.

Khi đó, nhà đầu tư lãi: 100.000x (1.500-1.493)x10=7.000.000 VND (chưa trừ các phí và thuế giao dịch). Trường hợp VN30-Index giảm, nhà đầu tư sẽ bị thiệt với số điểm tương ứng nhân với hệ số. Ngược lại, nhà đầu tư có thể mở vị thế bán nếu tin rằng VN30-Index sẽ điều chỉnh, giảm điểm trong tương lai.

Hiểu một cách đơn giản, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là sự “đánh cược” của nhà đầu tư vào sự tăng hoặc giảm của nhóm cổ phiếu bluechip trong tương lai.

Khi được giao dịch, giá của hợp đồng tương lai thay đổi liên tục, tăng hoặc giảm trong ngày, tương tự như việc giao dịch cổ phiếu hiện tại trên thị trường chứng khoán cơ sở. Điều đó có nghĩa là trong kỳ hạn của hợp đồng tương lai, các khoản lãi/lỗ hàng ngày được cộng/trừ vào tài khoản ký quỹ của mỗi bên.

Ưu điểm của chứng khoán phái sinh, cụ thể hợp đồng tương lai, là cho phép giao dịch T0, tức là nhà đầu tư có thể đặt vị thế mua và bán để đóng vị thế luôn trong ngày để chốt lời. Nếu thị trường chứng khoán cơ sở giảm, nhà đầu tư có thể bán khống chứng khoán phái sinh (thực hiện bán trước rồi mua lại sau) để cân đối rủi ro và ngược lại.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phái sinh có tính biến động lớn và nhanh, do tỷ lệ đòn bẩy cao, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức đầu tư cơ bản, liên tục cập nhật tình hình vĩ mô và biết kiểm soát chi phí, cũng như cần có tâm lý vững, tránh mua/bán quá nhiều trong ngày theo biến động giá dẫn đến thua lỗ.

Điều quan trọng nhất trong đầu tư chứng khoán phái sinh là tính kỷ luật. Khi mua một hợp đồng mới, nhà đầu tư nên xác định sẵn mức lỗ hoặc lãi rõ ràng ngày từ đầu để hạn chế rủi ro, nhất là khi sử dụng đòn bẩy cao. Hiện nay đã có nền tảng phái sinh ứng dụng công nghệ giao dịch định lượng (quantitative trading) cho phép nhà đầu tư có thể cài đặt hệ thống tự động cắt lỗ hoặc chốt lời theo mức giá kỳ vọng.

Giả sử, nhà đầu tư muốn mở vị thế với kỳ vọng mức chốt lời 20% và cắt lỗ ở mức 30%. Trong trường hợp giá diễn biến xấu, hợp đồng đang mở bị lỗ 30% thì lập tức hệ thống sẽ đóng vị thế với giá khớp luôn. Tương tự, trường hợp VN30-Index tăng, hợp đồng lãi 20%, hệ thống cũng sẽ tự đóng vị thế, chốt lời cho nhà đầu tư.

 

Hết phần 7, Mời các độc giả xem tiếp phần 8

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x